Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
"Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), trước hết và trên hết, ở nơi nội tại của Ngài,
vì Ngài là Vị Thiên Chúa duy nhất nhưng lại hiệp thông Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần.
Bởi thế, chúng ta có thể định nghĩa tình yêu là sự sống hiệp thông và yêu là sống hiệp thông, thế thôi.
Tuy nhiên, vị "Thiên Chúa là tình yêu" này đã tỏ hiện tình yêu của Ngài, tức tỏ hiện bản tính là tình yêu của Ngài,
cho con người là loài tạo vật vô cùng thấp hèn và tội lỗi ở chỗ thương xót, bằng việc nhân hậu thứ tha cho tất cả và từng người.
Tình yêu Thiên Chúa đối với con người quả thực là tình yêu nhân hậu (merciful love).
Nhân hậu hay thương xót là bản chất của tình yêu Thiên Chúa, là ưu phẩm tối hậu và là dung nhan của vị "Thiên Chúa là tình yêu".
Mạc khải Thánh kinh đã chứng thực LTXC không bao giờ loại bỏ một ai,
trái lại, qua Chúa Giêsu Kitô Con Một của mình, Ngài đã tìm kiếm từng con chiên lạc.
Mọi người và từng người, dù tội lỗi đến đâu, cũng được LTXC "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1).
PVLC được Giáo Hội cố ý chọn lựa cho Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A là mạc khải Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy đúng như vậy.
Chúa có thương riêng và tuyển chọn một ai, một dân nào, như dân Do Thái trong Cựu Ước, cũng đều có tính cách đại đồng (xem Sáng Thế Ký 22:18; 26:4).
Bởi vì: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (2 Timôthêu 2:4).
Cùng các vị thánh được tôn kính trong tuần, những vị cảm nghiệm thấy LTXC hơn ai hết và là chứng nhân thương xót trong thời điểm của mình,
và với tấm lòng tri ân cảm tạ LTXC đối với từng người dân ngoại chúng ta, cùng cầu cho những ai chưa nhận biết LTXC để được cứu độ,
chúng ta cùng nhau theo dõi PVLC Tuần XX Thường Niên ở những cái links sau đây:
Cảm Nghiệm Lời Chúa
"Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon" - Miền Đất của dân ngoại, để tìm kiếm "con chiên lạc nhà Israel"?
Không có một tôn giáo nào chính yếu trên thế giới này, hay một dân nước nào trên trần gian này có một lịch sử được gọi là Lịch Sử Cứu Độ ngoài dân tộc Do Thái. Lịch sử của dân tộc Do Thái trở thành Lịch Sử Cứu Độ là vì chính Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân tộc này và ở với họ cho tới cùng, tức cho "tới thời điểm viên trọn, Thiên Chúa sai Con của Ngài sinh ra bởi một người nữ" (Galata 4:4), thời điểm cánh chung của một dân tộc Tân Ước có tính cách Công Giáo là Giáo Hội Chúa Kitô, một dân tộc Tân Ước ở "nơi tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19), hiện diện trên "khắp thế gian" (Marco 16:15), "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8).
Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái không được bắt đầu từ ngay sau nguyên tội, mà là từ tổ phụ Abraham, nhưng Lịch Sử Cứu Độ này được hiện tỏ nhất ở biến cố Vượt Qua của dân tộc này nhờ vai trò trung gian của Moisen, một cuộc vượt qua từ mảnh đất nô lệ Ai Cập đến vùng Đất Hứa tự do chảy sữa mạc khải thần linh và mật đức tin tuân phục, một vùng Đất Hứa của dân ngoại trước đó nhưng được Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất giành cho dân tuyển chọn của Ngài qua lời hứa của Ngài với tổ phụ Abram, vị đã bỏ quê hương xứ sở thân thương của mình để đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, không biết ở đâu và như thế nào, theo hướng dẫn của Đấng Quan Phòng Thần Linh vô cùng khôn ngoan mà ông hoàn toàn tin tưởng tuân phục. Thậm chí ông còn dám tuân theo Thánh Ý Chúa trong việc sẵn sàng sát tế chính đứa con trai duy nhất của mình, người con được Thiên Chúa ban cho ông trong lúc cả hai vợ chồng ông đã quá tuổi sinh sản, một người con theo lời hứa cho cả một hậu duệ đông như sao trời nhiều như cát biển.
Bởi thế, ông đã xứng đáng là tổ phụ không phải chỉ của một dân tộc Do Thái bé nhỏ ít oi về cả địa lý lẫn dân số so với các dân chung quanh thuộc khối Ả Rập, mà còn của tất cả mọi dân nước trên thế giới nói chung, nhất là của những kẻ tin vào Thiên Chúa nói riêng. Đúng thế, ý định vô cùng khôn ngoan và toàn thiện của Thiên Chúa trong việc tuyển chọn riêng dân Do Thái để tỏ mình ra trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ không phải chỉ cho hạnh phúc của một mình họ, hay chỉ vì yêu thương riêng họ, mà là để nhắm đến tất cả mọi dân nước trên thế giới này, tức để hiện thực lời hứa khởi nguyên trong việc ban cho chung nhân loại một Đấng Cứu Thế (xem Khởi Nguyên 3:15), nhưng lại là Vị Cứu Thế thuộc giòng dõi loài người, được hạ sinh bởi một người nữ, đó là một trinh nữ ở Nazarét tên là Maria (xem Luca 1:26-27), một người nữ Do Thái theo gia phả của vương tộc Đavít (xem Mathêu 1:16; Luca 2:4).
Đó là lý do, qua miệng của Tiên Tri Isaia ở Bài Đọc I hôm nay, Thiên Chúa đã hứa hẹn "Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa" rằng "Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".
Thánh Vịnh gia trong Thánh Vịnh 66 ở Bài Đáp Ca hôm nay cũng bày tỏ cảm nghiệm của mình một cách hân hoan phấn khởi về ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa đối với dân ngoại qua việc Ngài mạc khải cho dân Do Thái trước như sau: "xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ"(câu 1). Bởi thế: Vị Thánh Vịnh gia này đã kêu gọi dân ngoại "ca tụng" Thiên Chúa mà rằng: "Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu" (câu 2), và "Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài" (câu 3).
Tuy nhiên, Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương và muốn cứu độ dân ngoại, bao gồm tất cả mọi dân nước trên thế giới này, không có nghĩa là Ngài muốn loại trừ đi hay hoàn toàn tẩy chay dân Do Thái của Ngài, như thể dân Do Thái đã hết thời, sau khi được Ngài sử dụng như phương tiện để tiến vào thế giới đại đồng, cho dù Ngài đã thực sự tỏ ra muốn tận diệt dân Do Thái hết sức cứng đầu và đầy những ngoan cố này hai lần, một lần họ thờ bò vàng khi mới ra khỏi Ai Cập và Vượt Qua Biển Đỏ (xem Xuất Hành 32:9-10) và một lần họ muốn truất phế Moisen để tự lập kéo nhau quay về lại Ai Cập khi gần vào Đất Hứa (xem Dân Số 14:11-12).
Thật vậy, đúng như xác tín của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư gửi Rôma ở Bài Đọc II hôm nay: "Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc". Ở chỗ nào và ra sao? Cũng Vị Tông Đồ Dân Ngoại này trả lời ngay sau đó thế này: "Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người".
Nghĩa là, theo Thánh Phaolô, vì "Chúa thương xót hết mọi người" mà Ngài đã thực hiện một đường lối hoàn toàn ngoài dự tưởng tự nhiên hạn hẹp của con người, đó là "đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin", như thể Ngài lợi dụng thái độ không tin tưởng và bất tuân phục của dân Do Thái đối với Ngài để tỏ lòng thương Dân Ngoại: "vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót", rồi sau đó Ngài vẫn tỏ lòng thương dân Do Thái: "họ cũng được thương xót", thậm chí vị tông đồ này còn khẳng định về tương lai của dân Do Thái như sau: "Tình trạng mù quáng của dân Do Thái kéo dài cho tới khi đủ số Dân Ngoại thì bấy giờ tất cả dân Do Thái sẽ đươc cứu" (Roma 11:25-26).
Trong Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra coi trọng dân tộc Do Thái theo huyết nhục trần gian của Người: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Vì, theo Người thì "dầu sao ơn cứu độ bắt nguồn từ dân Do Thái" (Gioan 4:22). Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao "Thày chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel" mà ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu lại được Thánh ký Mathêu ghi nhận rằng: "Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon" là miền đất của dân ngoại, một miền đất ở phía tây bắc nước Do Thái và ở bên ngoài nước Do Thái, nghĩa là ở một vùng không có người Do Thái. Chẳng lẽ Chúa Giêsu đi tìm "con chiên lạc nhà Israel" nào đó ở vùng đất dân ngoại này hay sao? Hay Người ám chỉ "con chiên lạc nhà Israel" đây, không phải chỉ bao gồm thành phần dân Do Thái cứng lòng không tin vào Người, thành phần mù quáng lầm lạc, mà còn chính là dân ngoại, vì dân ngoại, theo dự án cứu độ của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, qua lời hứa với tổ phụ Abraham, được thông phần gia nghiệp cứu độ với dân Do Thái (xem Khởi Nguyên 22:17-18).
Không biết có phải thực sự Chúa Giêsu "lui về miền Tyrô và Siđon " là để tìm kiếm "con chiên lạc nhà Isarel" là dân ngoại hay chăng, nhưng theo cấu trúc của bài Phúc Âm hôm nay thì lý do "Chúa Giêsu lui về (withdrew)" vùng đất của dân ngoại này, (chứ không phải, nếu căn cứ vào vị trí về địa lý Thánh ký Mathêu đáng lẽ phải viết rằng "Chúa Giêsu tiến lên" vùng đất dân ngoại ở miến tây bắc bên ngoài nước Do Thái này mới phải), như thể, qua từ ngữ "rút về" này của Thánh ký Mathêu, Người nghĩ đến, Người quay lại với dân ngoại sau khi Người thấy dân Do Thái của Người cứ tiếp tục tỏ ra mù quáng, đúng như chủ trương của Thánh Phaolô về đường lối trong Bài Đọc I hôm nay: "vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót". Đó là lý do, ngay ở đầu Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Mathêu đã ghi nhận rằng: "Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon", ra khỏi nơi mà ở đoạn phúc âm ngay trước bài Phúc Âm hôm nay, Người đã bị nhóm biệt phái và luật sĩ duy luật nhưng hoàn toàn giả hình chặn hỏi về sự kiện thành phần môn đệ của Người không chịu rửa tay trước khi ăn.
Trong khi thành phần duy luật biệt phái và luật sĩ Do Thái tự phụ và tự đắc là mình thuộc thành phần công chính bởi họ kỹ lưỡng và cẩn thận tuân giữ lề luật nhưng lại không tin "Con Người là Chúa của ngày hưu lễ" (Mathêu 12:8), thì người đàn bà ngoại lai ở Canaan có người "con gái bị quỷ ám khốn cực lắm" lại có một đức tin bất khuất vào một nhân vật mà bà gọi là "con Vua Ðavít", một nhân vật hình như bà mới được gặp lần đầu tiên, sau khi bà chỉ được nghe thấy tiếng tăm vang dội về Người ở cả trong lẫn ngoài nước Do Thái của Người (xem Mathêu 4:25).
Đức tin của người mẹ ngoại bang thương con như chính bản thân mình này: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi", "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi", mãnh liệt đến bất khuất của bà đã có thể thắng vượt tất cả những gì là kỳ thị về chủng tộc"Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel", thậm chí bất chấp thái độ khinh bỉ nhân phẩm của bà từ chính Đấng bà tin tưởng cậy trông: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó", Đấng cuối cùng đã chào thua bà và đã đáp ứng đúng như ý nguyện thiết tha của bà cho người con gái của bà: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy" - "Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành".
Trường hợp của người đàn bà xứ Canaan ngoại bang này quả thực đã ứng nghiệm lời Chúa Giêsu phán về những ai cởi mở tin tưởng vào Người nên được Người tỏ mình ra cho, như trong câu Người phán được Giáo Hội sử dụng trước Bài Phúc Âm hôm nay: "Alleluia, alleluia! - Chúa phán: 'Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy'. - Alleluia"